37. FIAT

Có lẽ hiếm có hãng xe nào trên thế giới lại thay đổi logo của mình nhiều như Fiat. Trải qua những thăng trầm của hơn một thế kỷ tồn tại, 14 logo đánh dấu các mốc thời điểm phát triển khác nhau của hãng xe từng có thời là số một châu Âu.
Mặc dù không mấy thành công tại thị trường Việt Nam, nhưng nhà sản xuất

Vẫn theo đuổi phong cách thiết kế tự do và giữ nguyên kiểu dáng cụm từ FIAT, hình khối của biểu tượng là hình oval, một kiểu thiết kế rất thời thượng vào thời điểm đó. Nhưng những điểm khác biệt cơ bản nhất của logo thứ 3 này so với logo năm 1901 là sự biến mất tên đầy đủ của Fiat trên logo, một hành động chứng tỏ tên tuổi Fiat thực sự đã trở nên rất nổi tiếng và những người lãnh đạo nhận ra rằng cái tên Fabbrica Italiana di Automobili Torino bỗng trở thành thừa thãi. Tiếp đến, hình ảnh mặt trời lúc bình minh ở logo thứ 2 không còn đủ sức để soi sáng cho Fiat nữa, giờ đây vai trò đã thay đổi, Fiat đã lớn mạnh, đã đủ để che lấp được mặt trời. Logo năm 1904 là dấu ấn cho thời kỳ khởi đầu đầy mãn nguyện của Fiat, nó còn được sử dụng cho đến năm 1926 khi những chiếc xe Fiat 501 và 502 xuất xưởng.
Song song với logo thứ 3, Fiat còn sở hữu một loạt những logo khác, phần lớn các biểu tượng này được gắn trên những dòng sản phẩm và vào một thời kỳ nhất định. Năm 1921, logo thứ 4 trong bộ sưu tập của Fiat được giới thiệu trên lưới tản nhiệt những chiếc xe SuperFiat 12 xi-lanh và Fiat 519 6 xi-lanh. Cụm từ FIAT được viết với phong cách không đổi và có những khác biệt so với logo thứ 3 khi hình khối của logo là hình tròn và chữ Fiat được sơn hai màu đỏ đen, 2 gam màu đặc trưng cho các loại xe đua thời kỳ đó.
Logo thứ 5 xuất hiện năm 1925 trên dòng xe thực dụng Fiat 509, mẫu xe được sản xuất với số lượng lớn và rất được ưa chuộng tại Italy chỉ trong vòng một năm sau khi xuất xưởng. Giữ nguyên kiểu dáng của logo thứ 4, logo thứ 5 của Fiat được thay đổi cho phù hợp với mẫu xe mà nó đại diện, chữ FIAT được sơn màu trắng, màu của sự tiện ích và thực dụng.
Năm 1929, dòng xe thực dụng mới 514 được sản xuất để thay thế cho Fiat 509, Fiat thay đổi màu nền của chiếc logo thứ 5 và cho ra đời logo thứ 6.
1931 là năm chiếc logo thứ 7 được giới thiệu, không khác so với những logo trước đó, màu nền màu xanh được thay bằng màu đỏ tươi. Logo thứ 7 gắn trên mẫu xe 515 và Fiat chỉ bán được 3.405 chiếc loại này.
Năm 1931 khai sinh ra chiếc logo thứ 8 gắn trên chiếc xe Fiat 524, kết hợp với kiểu kiến trúc đương đại, có hình chữ nhật thay vì hình tròn như các biểu tượng trước nó. Sự thay đổi này chủ yếu là do sự thay đổi kiểu dáng của lưới tản nhiệt trên những chiếc xe của thập niên 1930.
Tại triển lãm ôtô năm 1932, Fiat giới thiệu dòng xe 508 với biểu tượng được thiết kế riêng và đó là chiếc logo thứ 9. 508 nhanh chóng trở thành mẫu xe nổi tiếng nhất của Fiat vào lúc đó khi họ bán được 41.000 chiếc chỉ trong tháng 7 năm 1934.
Logo thứ 10 được Fiat giới thiệu năm 1938, trước khi nước Ý bước vào chiến tranh thế giới thứ 2. Vẫn kiểu thiết kế những năm 1930, tuy có những thay đổi về kiểu dáng bên ngoài. Fiat 850, 124, 127 là những mẫu xe cuối cùng được mang chiếc logo này.
Chiến tranh kết thúc, Fiat sử dụng lại một số mẫu logo của những năm 1920 trên các sản phẩm của mình. Một trong số đó là chiếc logo thứ 11, xuất hiện vào năm 1959. Trên thực tế logo này chỉ được gắn trên những chiếc xe thể thao Fiat Fiat Dino, 124 và 131 Abarth Rally.
Đến năm 1968, Fiat bắt tay vào thành lập một công ty cổ phần đa ngành, trong đó Fiat Car là một thành viên. Để đánh dấu mốc phát triển mới, logo thứ 12 của Fiat được trình làng, nó gồm 4 khối vuông, mang 4 chữ FIAT viết theo phông “univers” xiên 18 độ so với chiều thẳng đứng. Logo này được Fiat sử dụng cho đến những năm 1982, trước khi được thay đổi một cách hết sức bất ngờ.
Năm 1982, Giám đốc thiết kế, Mario Maioli, lái xe qua nhà máy Mirafiori sau khi điện vừa cắt. Ông nhìn thấy logo rất lớn của Fiat trên nóc nhà máy với 5 vạch kẻ in trên nền trời, rất nhanh, Mario Maioli phác thảo mẫu biểu tượng mới cho hãng, với năm vạch thẳng liền nhau xiên 18 độ, chiếc logo thứ 13 ra đời. Nó được sử dụng đồng thời với logo thứ 12 trên các sản phẩm của Fiat và Fiat Car cho đến năm 1999.
Năm 1999, chiếc logo thứ 14 trong lịch sử 100 năm của Fiat ra đời. Nó như là sự kết tinh từ những vinh quang, cay đắng, từ ước muốn tìm lại chính mình, từ những kỳ vọng vào tương lai tươi sáng. Đánh dấu 100 năm trong chu kỳ phát triển của một thương hiệu, logo này tượng trưng cho khởi đầu của Fiat khi bước vào một thế kỷ mới, thế kỷ của hy vọng.

38. Lexus: ‘Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng’

Sinh ra từ gia đình Toyota, dưới sự chăm sóc đặc biệt và tuyệt mật bởi 4.000 con người xuất sắc, với cái tên tượng trưng cho tính cách Á Đông: sang trọng mà tao nhã, sau 20 năm, Lexus đã giành được vị trí riêng tại sân chơi của ngành công nghiệp ôtô.

Mùa xuân 1989, trước những bô lão, những bậc cha chú tại “chiếu chèo” triển lãm ôtô Detroit, Lexus bước ra và “xưng danh”. Đó là thành quả của nỗ lực kéo dài từ giữa năm 1983. Chủ tịch Toyota khi đó, Eiji Toyoda triệu tập một cuộc họp cấp cao và tuyệt mật, bao gồm các nhà quản lý, kỹ sư và những nhà chiến lược để đặt ra một câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể sản xuất một chiếc xe đánh bại những mẫu ôtô đang được coi là tốt nhất?”. Câu trả lời được đưa ra và Eiji Toyoda quyết định thực thi dự án mang tên “F1”. Chữ F lấy từ “flagship” (thuật ngữ chỉ con tàu chở đô đốc trong một hạm đội và cũng là để chỉ sản phẩm đứng đầu của một hãng), còn số 1 thể hiện yêu cầu chất lượng cao nhất của một chiếc sedan hạng sang.

Các kỹ sư được lệnh tập trung phát triển toàn bộ thành phần của một chiếc xe hơi, từ tay lái, phanh, động cơ, hệ thống kiểm soát độ bám đường, hệ thống điện đến sự ăn mòn và vật liệu. Năm nhóm thiết kế được phái đến “nằm vùng” tại Mỹ, sát cánh với các nhà đại lý phân phối ở đây nghiên cứu về phong cách sống, quan điểm về thiết kế của những vị khách ưa thích dòng xe sang trọng.
Gần 4.000 người được huy động để sản xuất những nguyên mẫu đầu tiên năm 1985. Để đặt tên cho mẫu sản phẩm mang kỳ vọng lớn của mình, Toyota quyết định ghép hai từ “Luxury” và “Elegance” thành cái tên Lexus. Ngoài ra, Lexus còn được ghép từ các chữ cái đầu của cụm từ Luxury Export to US (dòng xe sang trọng xuất khẩu sang Mỹ). Đó là lý do vì sao Lexus có trụ sở đặt tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.
Trong nguyên tắc về công nghệ quảng bá sản phẩm, người ta không thể không nhắc đến vai trò của logo. Toyota dự định một sản phẩm sang trọng bậc nhất thì đương nhiên logo của nó cũng không phải tầm thường. Chất lượng sản phẩm sẽ đi về con số không nếu trong mắt khách hàng biểu tượng của nó không để lại chút ấn tượng nào. Vì thế, công ty thiết kế logo nổi tiếng Hunter/Korobkin, Inc. được thuê và trong hàng trăm mẫu thiết kế, Toyota quyết định lấy biểu tượng hình chữ “L” làm biểu tượng chính thức của Lexus.
Tuy là bậc hậu thế, nhưng tất cả những gì thuộc về Lexus đều thể hiện cho sự hoàn hảo. Giữa lúc người ta tưởng rằng nguồn cảm hứng cho một biểu tượng thực sự ý nghĩa đã cạn kiệt thì logo của Lexus xuất hiện. Nó thoả mãn tất cả những tiêu chí thiết kế logo và được hình thành một cách thuần nhất mà không gắn với bất cứ một truyền thuyết hay một câu chuyện lịch sử nào. Vẫn là hình elipse chủ đạo có cảm hứng từ logo của Toyota, biểu tượng Lexus là sự cách điệu của chữ “L” mang phong cách hiện đại.

Đặc điểm đầu tiên mà logo Lexus sở hữu là sự khác biệt. Người ta không thể nói về mình khi bị nhầm lẫn với người khác và dĩ nhiên, logo đó không thể đại diện cho những gì không thuộc về Lexus. Kích thước của hình elipse bao ngoài logo có tỷ lệ trục dài/rộng bằng 1,4, chữ L được cách điệu nghiêng 50 độ với hai nét đậm nhạt gấp đôi nhau, gợi lên cảm giác vững vàng, chắc chắn. Các nhà thiết kế tạo độ nghiêng cho chữ L chủ yếu do nếu viết thẳng sẽ dễ nhầm với biểu tượng của LG và hơn nữa, chẳng có một sự sang trọng tao nhã nào lại không ẩn chứa trong nó những nét mềm mại, thướt tha.
Độ cao chữ L bằng khoảng 75% trục rộng, giữa nét nằm ngang và trục dài cũng có giá trị tương tự, điều đó tạo sự cân đối, hài hoà về tỷ lệ chiếm khoảng không của chữ L so với toàn bộ hình khối. Tỷ lệ 75% bù đắp tính không đối xứng của logo, làm cho người quan sát vẫn có cảm giác về sự cân bằng và bền vững, về yếu tố tĩnh nằm trong yếu tố động.
Đặc điểm thứ hai mà một chiếc logo cần có là nó phải gợi lên cảm xúc, và biểu tượng của Lexus đã có. Toàn bộ logo hiện lên với những đường cong thanh thoát, không có bất cứ một nét góc cạnh chủ yếu nào, nuột nà như những đường gió lướt nhẹ trên thân xe. Nhẹ nhàng, êm ái, thân thiện nhưng tiềm ẩn sức mạnh là cảm giác của không ít người lần đầu tiên nhìn thấy.
Điểm thứ ba là tính đơn giản. Sự cầu kỳ để tạo nên những nét giản đơn có giá trị hơn nhiều so với những nét phức tạp rối rắm. Không bị những đường ngang dọc, màu sắc làm loá mắt, tất cả logo là những đường cong đồng màu thống nhất. Lấy cảm hừng từ ký tự @ trong công nghệ thông tin, biểu tượng của Lexus bỗng trở nên gần gũi với người tiêu dùng hơn bao giờ hết. Và đó chính là tính thời đại. Không đi quá xa quan điểm của cộng đồng, nhưng cũng không tầm thường hoá, thực sự logo của Lexus là bước thành công đầu tiên của một thương hiệu.
Một logo phải thể hiện được lịch sử của công ty, về đức tin của con người, triết lý sống, giá trị, phong cách của những người thiết kế và sử dụng nó. Phải tạo được niềm tin với khách hàng, công nhân cũng như những nhà đầu tư. Nó là sản phẩm nhưng đứng ngoài những sản phẩm khác về mặt ý nghĩa và giá trị. Với tất cả những tiêu chí ấy, trải qua 20 năm ra đời, logo của Lexus thành công khi đã, đang và sẽ đại diện cho sản những sản phẩm cao cấp của chính nó.

39. Porsche tôn vinh giá trị truyền thống

Dù ra đời khá muộn màng so với các đại gia của ngành công nghiệp xe hơi nước Đức, Porsche vẫn tạo lập được vị thế riêng nhờ biết chọn cho mình con đường phát triển dựa trên triết lý về cội nguồn.

Nếu cứ tính theo tỷ lệ “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, trăm sờ không bằng một làm”, phải sau một triệu lần nghe, một vạn lần thấy, chúng ta mới có cơ may được an tọa trong không gian của chiếc xe mang thương hiệu Porsche. Không chỉ hiếm hoi như lá mùa thu ở Việt Nam, mà ngay những nước tiên tiến khác, sở hữu một chiếc Porsche cũng cần lắm công phu, bởi không phải lúc nào giá cả của hãng xe danh tiếng này cũng chiều lòng người.

Lịch sử của Porsche bắt đầu sau hơn 50 năm làm việc cần cù và say mê của người sáng lập, Ferdinand Porsche. Ông là tác giả của dòng xe thể thao SS, SSK siêu nạp khi giữ chức vụ giám đốc kỹ thuật của Benz-Daimler. Trong giai đoạn cộng tác với NSU, Volkswagen, ông cho ra đời “con bọ” Beetle nổi tiếng năm 1932 và hàng loạt dòng xe đua. 1950, sau 20 năm làm việc tại văn phòng thiết kế riêng, Ferdinand Porsche và người con Ferry Porsche thành lập công ty độc lập mang tên Porsche, đóng đô tại thành phố ôtô Stuttgart, Đức.
Một năm sau, Porsche giành chiến thắng tại đường đua Le Mans với sản phẩm đầu tay mang tên công ty, Porsche 356. Đó quả thực là điềm báo cho một thương hiệu lớn trong tương lai. Cùng năm 1951, Ferdinand Porsche qua đời khi nguyên mẫu 356 chưa kịp hoàn thành, để lại công ty cho người con Ferry Porsche quản lý.
Năm 1952, khi đang ở châu Mỹ, Ferry uỷ quyền cho người trợ lý đắc lực Erwin Komenda thiết kế biểu tượng của Porsche. Mục đích của Ferry lúc đó là xuất khẩu các sản phẩm của Porsche sang thị trường Mỹ đầy tiềm năng. “Quân sư” Erwin Komeda đã song hành cùng F. Porsche từ năm 1931, và chính ông đã chấp bút thiết kế nên “con bọ” của Volkswagen theo lệnh của Adolf Hitler. Sau này, dưới triều đại của Ferry, “đại thần” Erwin góp công lớn với mẫu thiết kế 911, chiếc xe gắn liền với tên tuổi Porsche, và vẫn còn được sản xuất dù có mặt trên thị trường từ năm 1964.
Erwin Komenda chịu ảnh hưởng lớn từ ý tưởng của Ferry khi thiết kế logo Porsche. Dường như những người đứng đầu các hãng xe đua có nguyên tắc chung khi xây dựng biểu tượng cho công ty. Có thể do tham gia trực tiếp vào lĩnh vực thể thao nên yếu tố “màu cờ, sắc áo” được những hãng này đưa lên hàng đầu. Logo của Ferrari trung thành với màu cờ của thành phố Modena và quốc kỳ đất nước hình chiếc ủng, Italy. Còn logo của Porsche, tất nhiên, không thể bỏ qua những yêu cầu trên.
Ferry đã gợi ý Erwin lấy huy hiệu của vùng đất Wurttemberg, phía Tây Nam nước Đức, làm nền cho logo của Porsche. Wurttemberg giáp với xứ tự trị Bavaria về phía Đông, nơi có thành phố Stuttgart – thủ phủ của Porsche. Huy hiệu Wurttemberg hình chiếc khiên, được chia làm bốn phần. Góc cao bên trái và góc thấp bên phải vẽ 3 chiếc sừng hươu truyền thống có từ thời “khai thiên lập địa”. Phần còn lại là những sọc đỏ đen quen thuộc trên quốc kỳ cộng hoà liên bang Đức. Phía đỉnh huy hiệu, Erwin phác hoạ dòng chữ Porsche rất hoà hợp về hình khối và tông màu, với ý nghĩa Porsche đã, đang và sẽ là một phần trong lịch sử Wurttemberg.
Nằm tại trung tâm của logo Porsche là biểu tượng thành phố Stuttgart, có các kích thước bằng một phần ba so với biểu tượng lớn, tương đương với tỷ lệ chiếm diện tích bằng một phần chín. Về tổng thể, tỷ lệ đó tạo nên cảm giác khá hài hoà, không quá to mà cũng không quá nhỏ. Theo các chuyên gia ngôn ngữ, Stuttgart là cách nói rút gọn của từ gốc Stutengarten, dịch sang tiếng Anh là “stud farm – trại ngựa giống”. Biểu tượng và cái tên Stutengarten đã nói lên phần nào truyền thống của Stuttgart, nơi có những trang trại ngựa trù phú nằm dọc hai bên bờ sông Neckar. Có giả thuyết cho rằng, hình ảnh chú tuấn mã mà anh hùng không quân Italy Francesco Baracca vẽ lên sườn máy bay của mình phần nào lấy cảm hứng từ những trại ngựa này khi ông bay qua Stuttgart, và chú ngựa này tiếp tục tạo cảm hứng cho biểu tượng của Ferrari.

Đồng hương với Porsche tại Stuttgart là Mercedes-Benz và Maybach, nhưng chỉ Ferry có ý tưởng về lối kết hợp khá đơn giản những biểu tượng của quê hương. Mục đích của ông là giúp người tiêu dùng Mỹ chỉ cần nhìn vào logo có thể đọc ra lai lịch của Porsche. Điều đó cũng tương đương với lời bảo đảm cho những sản phẩm Porsche, vì theo triết lý của Ferry, “không có gì làm người khác tin bạn hơn chính cội nguồn của bạn”. Sau một năm được thông qua, logo Porsche chính thức trình làng trên vô-lăng của những mẫu xe năm 1953.
Hơn 50 năm, cùng trải qua những thăng trầm, sóng gió, biểu tượng đó vẫn hiện diện trên những sản phẩm tuyệt hảo Porsche. Dù sinh sau đẻ muộn so với các đại gia của ngành công nghiệp ôtô nước Đức, Porsche vẫn thành công theo cách riêng. Những người lãnh đạo cho rằng chính tính cách mạnh mẽ, tự tin, sang trọng và quyến rũ dựa trên nền tảng của những giá trị truyền thống đã giúp Porsche và biểu tượng của mình vượt qua cơn bĩ cực để đến hồi thái lai.


40. Renault

Hơn 100 năm lịch sử, như hầu hết các hãng xe danh tiếng ngày nay, Renault đã trải qua những thời khắc khó khăn, cay đắng và vinh quang nhất. Trong suốt quãng thời gian đó, hãng đã 8 lần thay đổi logo để phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của ngành công nghiệp ôtô và thế giới.

Năm 1898, nhân ngày sinh nhật lần thứ 21, chàng trai Louis Renault đã chọn dịp đặc biệt đó để bán chiếc xe mang cái tên rất cổ điển do chính anh chế tạo, Renault Type A. Năm 1899, Louis cùng hai người anh em Marcel và Ferand mở công ty “Renault Frères – Anh em nhà Renault”, tại số 10, đại lộ Cours, Billancourt. Như ý nghĩa của từ “Frères”, Renault đã thiết kế logo đầu tiên của hãng bằng hai chữ “R” lồng vào nhau, theo phong cách nghệ thuật cầu kỳ những năm đầu thế kỷ 20.

Mười năm sau, Renault Frères giành được những thành công liên tiếp: 1902 nhận bằng phát minh sáng chế về động cơ siêu nạp; năm 1906, sản xuất xe bus và bắt đầu sản xuất động cơ máy bay với năng suất 3.800 chiếc một năm. Cùng trong năm đó, Renault thay đổi logo nhưng bằng hình ảnh thực tế và đơn giản hơn nhiều: chiếc ôtô lồng trong vòng bi cơ khí.

Tuy nhiên, cũng từng ấy thời gian, Louis phải chứng kiến hai cái chết của Marcel năm 1903 tại giải đua Paris-Maldrid và Ferand năm 1909. Một mình Louis sở hữu Renault Frères, nhưng ngay sau đó, vì thương nhớ hai người anh, ông đổi tên thành Les Automobiles Renault – Công ty ôtô Renault.

Chiến tranh thế giới II nổ ra, theo yêu cầu của phe Đồng minh, Renault ngừng sản xuất ôtô mà tập trung vào xe tăng và máy bay. Theo đó, logo của hãng cũng được thay đổi cho phù hợp với tình thế chiến tranh. Chiếc ôtô được thay bằng hình ảnh xe tăng đang leo dốc.
Sau chiến tranh Louis Renault nhận huy chương anh hùng và tiếp tục sản xuất ôtô với các mẫu xe 10CV hay 6CV. Năm 1923, bỏ lại sự khốc liệt của chiến tranh để trở lại vai trò chính, logo Renault thay đổi lần thứ 3 với hình tròn làm khung chính, bao quanh những đường gạch ngang mô phỏng lưới tản nhiệt và dòng chữ “Renault”.

Sau đó hai năm, Renault thay thế hình tròn bằng hình thoi và lấy làm logo chính thức của công ty. Tuy nhiên, trước 1925, logo hình thoi đã tồn tại trên đa số các mẫu xe bởi một lý do hết sức ngẫu nhiên; xuất phát từ chính phong cách thiết kế nắp ca-pô của hãng. Lúc đó, nắp ca-pô trên các xe Renault kéo dài xuống tận thanh cản trước với gờ nổi chính giữa tạo nên nhờ giao tuyến của hai mặt phẳng.
Nhưng kiểu thiết kế đó gặp trở ngại do còi nằm ngay phía dưới. Bởi vậy, để tiếng còi thoát qua ngoài, các kỹ sư đã đục phần mũi xe thành các khe hở song song, tập hợp lại thành một hình thoi. Với dòng chữ Renault chạy ngang, vô tình hình thoi này được coi là logo chính thức.

Hứng chịu những tổn thất nặng nề từ khủng hoảng kinh tế những năm 1930 và đại chiến thế giới thứ hai, đến năm 1960 Renault mới hồi sinh và để đánh dấu cho thời kỳ phát triển mới, công ty quyết định thay đổi logo lần thứ năm. Mẫu logo mới có đôi chút thay đổi so với năm 1925. Chữ “Renault” được làm đậm và cao, nổi bật trên nền khung hình lục giác trắng. Các nét cắt ngang thưa và đậm hơn. Renault sử dụng logo này cho đến năm 1972, trước khi thay đổi nó lần thứ sáu.

Logo Renault thứ 7 từ bỏ kiếu thiết kế “chữ-hình ảnh” quen thuộc. Chỉ còn lại hình thoi, nhưng nó bao gồm nhiều đường thẳng được nối với nhau trên trục tọa độ 3 chiều, tạo độ nổi khá “mông lung” cho người quan sát. Tuy nhiên, trên các văn bản, Renault vẫn sử dụng logo có dòng chữ “Renault” bên cạnh.

Năm 1992, logo thứ 8 ra đời. Không còn các đường kẻ mà thay vào đó là mặt phẳng đồng nhất sơn hai màu đen trắng, đối xứng với nhau qua trục thẳng đứng.
Vẫn có độ nổi như 20 năm trước nhưng bớt đi phần phức tạp và “nhức mắt”, logo năm 1992 thân thiện, bóng bẩy và mang tính công nghệ cao hơn. Được Renault sử dụng trên lưới tản nhiệt các đời xe từ năm 1992, nhưng trên các văn bản, hãng vẫn dùng mẫu mang dòng chữ “Renault” phía dưới.

Năm 2004, Renault trình làng logo thứ 9 và giữ nguyên những nét cấu trúc cơ bản. Nổi bật nhờ bề mặt sơn bóng và những đường gấp trên thân được mạ crôm, logo thứ 9 thể hiện cho công nghệ, sức sáng tạo không ngừng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của hãng. Đơn giản và mang tính thống nhất cao, có lẽ Renault đã và sẽ hài lòng với biểu tượng của mình trong khoảng thời gian xa nữa.

41. Infiniti

15 năm kể từ khi Nissan khai sinh mác xe dành riêng cho thị trường Bắc Mỹ, Infiniti đã gặt hái những thành công đáng kể dù luôn phải đối mặt với khó khăn. Nhãn hiệu Infiniti cùng biểu tượng “con đường vô tận” ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới.

8/12/1989, sau một năm nghiên cứu và xây dựng dự án, tất cả 51 đại lý của Infiniti ở Mỹ và 12 đại lý ở Canada đồng loạt mở cửa để giới thiệu mẫu sedan Q45 và M30 coupe hạng sang dành riêng cho thị trường Bắc Mỹ. Một năm sau, hai mẫu xe chính thức tới tay khách hàng.

Trước đó 4 năm, các quan chức của Nissan đưa ra chiến lược thành lập một thương hiệu xe hạng sang nhắm tới người tiêu dùng Mỹ và Canada. Năm 1986, dự án được thông qua và Nissan đưa “viên đạn” đầu tiên Q45 vào sản xuất. Tới năm 1987, cái tên “Infiniti” chính thức được chọn bằng cách biến đổi từ từ “infinity – không giới hạn”, thể hiện cho lời cam kết Infiniti sẽ luôn đáp ứng nhu cầu không hạn định của người tiêu dùng.
Dựa trên quan điểm đó, Nissan thuê công ty Lippincott Mercer thiết kế biểu tượng Infiniti lần đầu năm 1989 và sửa lại năm 2000. Có người cho rằng, hai đường kẻ gặp nhau tại tâm của ellipse tượng trưng cho con đường chạy thẳng tới vô cực. Nhưng ý kiến khác lại hình dung biểu tượng đó tới đôi bàn tay chắp vào nhau theo tư thế của đệ tử võ lâm, thể hiện cho sức mạnh, lòng quả cảm và lòng quyết tâm luôn hướng về phía trước.

Thời kỳ đầu, nhiều người hoài nghi về thành công của Infiniti bởi lúc đó, thị trường Bắc Mỹ đã có Lexus của Toyota và Acura thuộc Honda. Nếu Infiniti chen ngang, rất có thể nó sẽ kéo Lexus và Acura cùng vấp ngã. Tuy nhiên, cả Nissan, Honda và Toyota đều quyết tâm thực hiện chiến lược “lột xác” bởi họ hiểu rõ một điều, người dân Mỹ và Canada luôn coi sản phẩm của 3 nhà sản xuất này chỉ thuộc hạng “kinh tế” chứ không phải sang trọng. Và, sau 15 năm, thực tế đã chứng minh sai lầm của những người chỉ trích: Cả 3 hãng đều thành công vang dội, cho dù Infiniti gặp phải sự cạnh tranh nhiều hơn.
Không dễ để Infiniti đi lên từ “vùng chiến sự” như thị trường Mỹ bởi ngay tại thời điểm ra đời, hãng xe thuộc hàng “cha chú” Oldsmobile đang đứng bên bờ vực đóng cửa. Khởi đầu, Infiniti chỉ sản xuất hai mẫu xe, Q45 và dòng xe thể thao G20. Sau đó là những chiếc như J30 với thân xe tròn trịa hay M30 hạng trung ngắn “cũn cỡn” và I30. Lạ hơn nữa là mẫu xe thể thao đa dụng hạng trung QX4, dựa trên bản Nissan Pathfinder và thực sự là cú huých mạnh vào doanh số bán của Infiniti.

Thành công đến với Infiniti theo từng năm tháng. Đúng một năm sau khi ra mắt, Q45 lọt vào danh sách xe tốt nhất do Road&Track bình chọn. Tới 1991, hãng nghiên cứu thị trường nổi tiếng J.D.Power chọn Infiniti là mác xe làm hài lòng khách hàng nhất. Năm ngoái, G35 coupe được các biên tập viên của Autoweek bầu là mẫu coupe thể thao của năm. Năm 2004, Infiniti bán ra 130.986 xe.
Những sản phẩm hiện tại của Infiniti bao gồm: G35, G35x, G35 Coupe, M35/M45, Q45 hạng sang hay dòng thể thao đa dụng như FX35, FX45 hay QX56 (đã có mặt ở Việt Nam).

42.Rolls-Royce
VỚI BIỂU TƯỢNG Spirit of Ecstasy

Đây là biểu tượng nổi tiếng tô điểm cho một trong những nhãn hiệu xe hơi sang trọng nhất. Được thiết kế bởi Charles Robinson Sykes, Spirit of Ecstasy là vật trang điểm trên mũi các xe Rolls-Royce suốt từ năm 1911.

Biểu tượng này lấy nguyên mẫu từ một người phụ nữ có sắc đẹp mê hồn, thông tuệ và hài hước, nhưng địa vị xã hội ngăn cản cô lấy người mình yêu. Mối tình của Eleanor Velasco Thornton và John Walter Edward-Scott-Montagu, thuộc dòng dõi quý tộc Anh quốc, kéo dài một cách bí mật trong hơn 10 năm nhờ sự thận trọng tuyệt đối của đôi tình nhân. John Scott, thừa hưởng tước hiệu của cha mình, là một người đi tiên phong trong việc cổ động phát triển ngành công nghiệp ôtô ở xứ sở sương mù. Từ năm 1902, ông giữ cương vị biên tập của tạp chí Xe hơi. Eleanor Thornton là thư ký của Scott. Bạn bè đều vờ như không biết mối quan hệ gần gũi giữa 2 người.
Montagu đặt hàng nhà điêu khắc Charles Robinson Sykes, bạn ông, một biểu tượng đặc biệt để gắn lên chiếc xe riêng Rolls Royce Silver Ghost. Bức tượng nhỏ mô tả một phụ nữ trẻ, vạt áo bay trong gió, vươn mình về phía trước, với ngón tay trỏ đặt trên môi. Tác giả đã chọn chính Eleanor Thornton làm người mẫu và đặt tên cho cho tác phẩm của mình là Whisper (Lời thì thầm). Bức tượng nhỏ gắn trên mũi xe đã mau chóng trở thành một thứ mốt thời thượng. Rất nhiều khách hàng của Rolls-Royce bắt chước Montagu, nhưng lại chọn những chủ đề phóng túng hơn nhiều, thậm chí thô tục.
Noi gương Montagu, lãnh đạo hãng Roll-Royce yêu cầu Charles Sykes tạo ra một biểu tượng có thể tô điểm cho bất kỳ chiếc Rolls-Royce Silver Ghost nào. Tháng 2/1911, Spirit of Ecstasy ra mắt và ngay lập tức người ta nhận thấy nó là một bản sao của Whisper. Không có gì ngạc nhiên về sự tương đồng giữa 2 biểu tượng này, khi biết rằng cả 2 lần, người mẫu mà Sykes lựa chọn đều là Thornton.
Spirit of Ecstasy được chế tạo bằng một phương pháp cổ xưa là đổ khuôn sáp ong, dẫn đến kết quả không có biểu tượng nào giống nhau tuyệt đối. Sykes, với sự trợ giúp của con giá ông là Jo, đảm trách việc sản xuất Spirit of Ecstasy trong nhiều năm. Ở chân mỗi sản phẩm, ông cho khoan dòng chữ “Charles Sykes, February 1911″ hoặc “Feb 6, 1911″, đôi khi chỉ đơn giản là “6.2.11″. Năm 1948, công việc được giao lại cho Rolls-Royce nhưng các biểu tượng vẫn tiếp tục được đánh dấu như thế cho tới năm 1951.

Trong khoảng thời gian từ 1911 tới 1914, Spirit of Ecstasy được mạ bạc, dẫn tới sự nhầm tưởng rằng nó làm từ kim loại quý và trở thành món mồi cho những tay chôm chỉa. Bức điêu khắc này đã đứng vững ở vị trí ban đầu của nó cho tới tận ngày nay, trên các kiểu xe hiện đại như chiếc Rolls-Royce Phantom, kích thước nhỏ hơn, bằng hợp kim mạ kền.

Qua nhiều năm, bức tượng nhỏ của Sykes đã có nhiều thay đổi. Trên những xe Rolls-Royce chế tạo tại nhà máy ở Springfield, Mỹ, biểu tượng này vươn mình nhiều hơn về phía trước, tránh làm vướng nắp ca-pô khi mở lên. Bản thân Royce, người sáng lập ra hãng xe không thích Spirit of Ecstasy, ông cho rằng nó chỉ làm một món đồ trang sức rẻ tiền, chạy theo mốt. Royce phàn nàn bức tượng nhỏ này làm vướng tầm nhìn phía trước. Việc hãng xe hơi Anh đặt hàng biểu tượng này diễn ra trong lúc Royce đang nghỉ ốm. Chính vì vậy, riêng những chiếc xe chính hãng do Royce sở hữu không hề xuất hiện biểu tượng Spirit of Ecstasy.
Vào cuối thập kỷ 20, thiết kế kiểu mới làm thân xe hơi được hạ thấp hơn. Royce nhanh chóng nghĩ đến việc tạo ra một biểu tượng Spirit of Ecstasy thấp hơn. Sykes đã đáp ứng được yêu cầu này với một bức tượng có chân quỳ. Sau Thế chiến II, nó được sử dụng cho các xe Silver Wraith và Silver Dawn. Tuy nhiên, tất cả những mẫu sau đó đều trở lại với biểu tượng cũ, có kích thước giảm xuống đáng kể.
Thuật ngữ Spirit of Ecstasy không phổ biến bằng cái tên Emily, còn ngườiMỹ thường gọi là Silver Lady hay Flying Lady.
Vào 1920, Roll-Royce mang Spirit of Ecstasy đến Paris tham dự một cuộc thi các biểu tượng được yêu thích nhất trên thế giới. Bức tượng Spirit of Ecstasy mạ vàng đã mang lại cho hãng vị trí số một. Kể từ đó, các phiên bản mạ vàng của Spirit of Ecstasy trở thành một trong những lựa chọn dành cho khách hàng.
Tại một số nước, quy định về an toàn không cho phép xe Rolls-Royce xuất hiện với biểu tượng của nó. Người ta cho rằng Spirit of Ecstasy, bằng kim loại, nhô lên từ mũi xe, có thể gây nguy hiểm cho người khác khi gặp tai nạn. Vì vậy, ở Thụy Sĩ nửa cuối thập kỷ 70, khách hàng của Rolls-Royce nhận được xe của mình với bức tượng nhỏ được gói cẩn thận đặt trong xe. Vấn đề chỉ được giải quyết khi các biểu tượng Silver Spirit và Silver Spur ra mắt.
Eleanor Thorton không được chứng kiến sự thành công mà bức tượng lấy nguyên mẫu từ bà mang lại. Ngày 30/12/1915, con tàu chở Eleanor Thorton bị trúng ngư lôi của tàu ngầm Đức gần đảo Crete, khi đang trên đường tới Ấn Độ. Đi cùng với Thorton lúc đó có Ngài Montagu, người chuẩn bị tới nhậm chức tại thuộc đia của nước Anh. Tuy nhiên, Montagu đã sống sót, được một con tàu vớt lên sau đó vài ngày. Trên hành trình trở về nước Anh, Montagu đọc được lời cáo phó của ông đăng trên báo.

43.Audi

Có thể ít nổi tiếng hơn, nhưng bên cạnh biểu tượng của BMW và Mercedes-Benz, logo Audi với 4 vòng tròn đan vào nhau cũng là dấu hiệu chứng tỏ sự sang trọng và chất lượng hàng đầu mà bất cứ chủ xe nào cũng muốn có.

Nước Đức cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, dân gian truyền tụng về một người thợ làm bánh vô danh, ngụ tại thành phố Munich, bỗng trở thành “nhà thiết kế” chính biểu tượng của hầu hết các hãng xe hơi. Thoạt đầu, anh ta lấy một chiếc bánh, chia thành 3 phần đều nhau và gửi cho Mercedes làm logo. Một chiếc bánh khác được chia đều thành 4 phần dành cho BMW. Đến lượt Volkswagen, bí quá, người thợ “chém bừa” lên đó mấy nét, thành hình hai chữ V ngoắc vào nhau. Không hài lòng lắm nhưng Volkswagen cũng mang nó về.

Khi tới lượt 4 ông chủ của Audi đến và yêu cầu người thợ bánh thiết kế logo cho họ, anh ta thực sự bối rối. Chẳng còn ý tưởng gì để thực hiện trên chiếc bánh bé tí teo nữa. Nhưng trong lúc bày bánh ra đĩa mời khách, đến chiếc thứ tư, anh ta liền nảy ra ý: lấy 4 chiếc bánh tượng trưng cho 4 công ty thành lập nên Audi. Và bởi không muốn làm mếch lòng bất cứ ai trong số những vị khách sang trọng ngoài kia, một cách bình đẳng, anh ta đặt chúng thành hàng ngang, tuy hơi tốn diện tích. Lúc đĩa bánh cùng ý tưởng về logo của hãng được đặt lên bàn, 4 ông chủ nhìn nhau và… cười.
Đây chỉ là câu chuyện mà dân mê xe hơi nghĩ ra để lý giải về sự gặp gỡ tình cờ trong thiết kế logo của các hãng xe hơi Đức mà Audi là một trong số đó. Tuy còn ít được biết đến ở Việt Nam, nhưng sau gần 100 năm lịch sử, chất lượng và uy tín của các sản phẩm Audi thực sự là nhãn hiệu mang tên “Made in Germany”. Bằng chứng là Audi trở thành mác xe được ưa thích nhất năm 2004 tại Trung Hoa láng giềng và rất có thể không bao lâu nữa, những chiếc xe hơi Audi sẽ tung hoành trên đường phố Việt Nam.

Audi “ngày nay” có tiền thân từ hãng xe và đội đua nổi tiếng mang tên Auto Union AG. Auto Union AG thành lập năm 1932 sau sự sáp nhập của bốn công ty có trụ sở tại quận Saxony bao gồm: Audi “ngày xưa” (thành lập năm 1909), Horch (thành lập năm 1899) tại Zwickau, Wanderer ở Chemnitz-Siegmar (thành lập năm 1885) và DKW trong khu Zschopau (1904). Thời điểm đó Auto Union AG là công ty có quy mô lớn thứ hai trên thế giới. Cũng trong năm 1932, Auto Union thông qua biểu tượng 4 hình tròn xếp lồng vào nhau, tượng trưng cho 4 công ty. Tất cả các hình tròn có kích thước hoàn toàn bằng nhau, nằm bình đẳng trên một đường ngang, lồng vào nhau, thể hiện sự đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau.
Sau Đại chiến thế giới thứ hai, các nhà máy của Auto Union nằm trên lãnh thổ thuộc Đông Đức. Hầu hết những người lãnh đạo của hãng chuyển đến Bavaria, nơi đóng đô của BMW. Tại đây, họ thành lập nên Auto Union GmbH (công ty TNHH Auto Union) vào năm 1949. Auto Union GmbH sản xuất ôtô như truyền thống và 4 vòng tròn đan xen vẫn là biểu tượng chính thức của công ty.
Năm 1969, Auto Union GmbH liên kết với hãng NSU để hình thành nên Audi NSU Auto Union AG (công ty cổ phần Audi NSU Auto Union). Do cái tên này quá dài, không thuận tiện cho việc kinh doanh và quảng bá thương hiệu, năm 1985, công ty đổi tên thành Audi AG (công ty cổ phần Audi). Mặc dù xuất hiện thêm công ty thứ 5 cùng tạo nên Audi “ngày nay”, nhưng trên quan điểm về giá trị thương hiệu, hãng vẫn dùng logo 4 vòng tròn, vốn đã quen thuộc với người tiêu dùng trong suốt 53 năm tới lúc đó.

Không ít người lần đầu tiên nhìn thấy logo Audi đã liên tưởng đến biểu tượng của thế vận hội Olympic. 5 vòng tròn trên lá cờ Olympic được bá tước Pierre de Coubertin, vị chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Olympic quốc tế, giới thiệu năm 1914 và trở thành biểu tượng của Thế vận hội 1920 tại Antwerp, Bỉ, tượng trưng cho 5 châu lục cùng sát cánh bên nhau trong phong trào Olympic.
Tới nay, 4 vòng tròn liên hoàn của Audi đã có 73 năm tuổi và thương hiệu này cũng trải qua gần 100 năm tồn tại. Rất có thể, người thiết kế logo cho Audi đã chịu ảnh hưởng về ý nghĩa và nghệ thuật tạo hình từ biểu tượng Olympic. Xuyên suốt 73 năm tồn tại, trải bao thăng trầm, Audi vẫn là một trong những hiệu xe sang trọng hàng đầu nhờ những sản phẩm chất lượng không bị lẫn với bất cứ đối thủ nào.

44.Trường DHDL Hùng Vương

This image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 912×912.

1. Hình vuông, tròn: bánh chưng là đất (vuông), bánh dày là trời (tròn), cũng là mẹ, cha; âm, dương, thể hiện “triết lý vuông tròn” của Việt Nam.
2. Những gạch giữa gồm 18 gạch, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.
3. Cái vạc ở giữa có ba chân tượng trưng cho tam tài (thiên, địa, nhân).
4. Năm cột khói tượng trưng cho Ngũ hành.
5. Khói nghi ngút quyện thành hình Rồng, Tiên và bản đồ Việt Nam tượng trưng nguồn gốc dân tộc, tổ quốc Việt Nam thiêng liêng và thống nhất.
6. Hai hình ngôi sao 15 cánh tượng trưng cho 15 bộ lạc của nước Văn lang, nằm vị trí đối xứng Đông và Tây tượng trưng cho sự vận động không ngừng của sự tiến bộ.
7. Màu xanh của hình vuông là màu của Bánh chưng, màu của tuổi trẻ, màu của tương lai.
8. Màu trắng của hình tròn là màu của Bánh dày, màu của Trời, màu tổng hợp của mọi sức mạnh, mọi tinh hoa của dân tộc và thế giới.

Logo của Trường, bắt đầu xuất hiện từ ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương – ngày Truyền thống lần thứ nhất của Trường năm 1996.

45.Trường Đại học Bình Dương

This image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 1200×1200.

A. Màu thể hiện:

* Màu vàng đồng.
* Chữ đỏ.
* Nền ruột màu xanh dương đậm.

B. Mô tả nhãn hiệu:

* Hình bông hoa hướng dương: luôn hướng tới tương lai phát triển.
* Vòng ngoài với 08 khối lồi lõm: thể hiện sự đa dạng của thế giới.
* Những tua quay theo hình tròn bên trong: tồn tại và phát triển trong khuôn khổ pháp luật.
* 07 giá đỡ cùng chiều, 01 ngược chiều: biểu hiện quy luật “Mâu thuẫn” tạo nên sự phát triển.
* Quyển sách mở rộng: con người tồn tại và phát triển trên nền tảng không ngừng Học – Hỏi, hoàn thiện trí tuệ.
* Ánh dương: hướng về tương lai, xã hội phát triển.
* Chim lạc việt: Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn hướng về tương lai.

46.Trường Đại học Bách Khoa TPHCM

Biểu trưng trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh do Nguyễn Đức Ánh (Trưởng Khoa Mỹ thuật công nghiệp trường Đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh) thiết kế. Và hiện nay có rất nhiều phiên bản khác nhau.

Ngày 27 tháng 12 năm 2006, Hiệu trưởng lúc đó là Phan Thị Tươi đã ký quyết định chọn mẫu biểu trưng chuẩn để sử dụng trong các hoạt động của trường

Biểu trưng Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh là một khối không gian 3 chiều. Tạo thành từ trung tâm là 1 hình lục giác đều nội tiếp vòng tròn. Cấu trúc theo kiến trúc của hình tổ ong (tổ ong được coi là một hình có kiến trúc đơn giản và khoa học). Tổ ong cũng có nghĩa là sự chăm chỉ, siêng năng, vững chắc và sáng tạo của Đại học Bách khoa.

Các hình khối xung quanh tượng trưng cho các khoa của Bách khoa. Nhìn từng phần giống như là quyển sách.

Màu sắc được hợp thành bởi 2 sắc độ của màu xanh. Biểu thị cho sự trang nhã, lịch sự thanh bình.

Quy tắc vẽ

Trung tâm biểu trưng: hình lục giác đều nội tiếp vòng tròn. Tất cả các cạnh bên đều bằng nhau và bằng bán kính của hình lục giác đều.

Cạnh của các hình thoi tiếp giáp các cạnh của lục giác đều bằng cạnh của hình lục giác.

Màu sắc

Gồm có 2 màu không kể màu trắng ở giữa:

* Màu xanh dương đậm: bảng màu RGB: R = 3, G = 43, B = 145.
* Màu xanh dương nhạt: R = 20, G = 136, B = 219.

Nếu biểu trưng đặt trên một nền màu khác màu trắng:

* Nét của các cạnh biểu trưng ta dùng màu trắng để làm nổi bật hình biểu trưng trên nền đặt.
* Không cần vẽ thêm đường viền.

Font chữ và màu sắc

Phông chữ BK TP.HCM là phông VNI – Avo, canh giữa.
Màu của chữ BK cùng màu với màu xanh dương đậm của biểu trưng. R = 3, G = 43, B = 145.
Màu của chữ Tp.HCM cùng màu với màu xanh dương nhạt của biểu trưng. R = 20, G = 136, B = 219.

[theo wikipedia]

P/s:

Chẳng lẽ là sv của trừong mà không biết ý nghĩ logo của trường thì kì quá ,chỉ nghe giang hồ đồn thêm như thế này :

Màu xanh tượng trưng cho khối kỹ thuật. 6 “cánh” tượng trưng 6 khoa chuyên ngành (lúc đó); 2 cánh chập lại thì có hình ảnh của quyển sách mở ra, tượng trưng sự nghiệp học hành.

Đối với khoa Xây dựng, logo thể hiện hình lục giác có cấu trúc khoa học, thể hiện sự vững chãi, hình lục giác còn gợi liên tưởng đến tổ ong, có ý ca ngợi đức tính chăm chỉ, năng động sáng tạo của sinh viên Bách Khoa.
Khoa Hoá, logo thể hiện cấu trúc các phân tử, nguyên tử.(vòng benzen lục giác)
Khoa Cơ Khí, logo có dáng dấp một bánh răng hàm ý động lực phát triển, giống như các bánh răng làm nhiệm vụ truyền động trong các cỗ máy vậy.

Có thể download bài viết hướng dẫn vẽ logo BK tại đây:
http://ng.hong.quan.googlepages.com/VelogoBachKhoa.pdf

—–

Còn đây là logo Trường Bách Khoa Hà Nội

This image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 683×1024.

47.SECOIN

Ý nghĩa logo

Chữ S hình tượng của đất nước Việt nam và cũng là chữ cái đầu tiên của tên công ty. Chữ S này được tạo thành từ ý tưởng về một sản phẩm có liên quan đến VLXD – một lĩnh vực gắn liền với các sản phẩm của Secoin.

Biểu tượng chữ S được tạo thành một cách sáng tạo bằng việc ghép hai nửa của một viên gạch – khối đá lại với nhau. Biểu tượng có hình khối rõ nét nhờ thiết kế theo không gian ba chiều.

Chữ Secoin đi sau biểu tượng chữ S được thiết kế rõ ràng, vuông vức, phù hợp với hình vuông ở biểu tượng. Font chữ được thiết kế với đường nét mềm ở bên ngoài thể hiện sự linh hoạt và vuông vức ở bên trong thể hiện sự vững chắc. Đây là font chữ không phổ biến được thiết kế đặc biệt cho Secoin.

Toàn bộ logo Secoin với sự kết hợp bởi biểu tượng và tên công ty tạo ra một ấn tượng về sự vững chãi, sự sáng tạo, sự tin cậy và nghiêm túc.

Mầu sắc logo

Mầu xanh sẫm của logo Secoin là sắc mầu mạnh, khỏe khoắn, phù hợp với lĩnh vực hoạt động của Secoin là công nghiệp vật liệu xây dựng. Sự kết hợp giữa mầu xanh sẫm và trắng giúp cho logo Secoin được thể hiện rõ nét, nổi bật, chuyên nghiệp và hiện đại.

Ý nghĩa câu khẩu trưng: Kết tinh giá trị

Thành lập năm 1989 – khi nền kinh tế Việt nam còn ở những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Secoin đã trải qua bao năm tháng thăng trầm theo những làn sóng chuyển mình của đất nước. Nhìn lại quá khứ của một chặng đường dài đã qua, Ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ Secoin có thể tự hào về những gì Secoin đã đóng góp cho xã hội: Là người đầu tiên sản xuất ra những sản phẩm vật liệu xây dựng không nung – Chuyển giao công nghệ cho gần 50 nhà máy vật liệu xây dựng không nung trong cả nước – Được Bộ Xây dựng Việt nam đánh giá là người góp phần tạo ra Ngành Công nghiệp Vật liệu xây dựng không nung cho đất nước. Đó chính là nhờ kết quả của sự Kết tinh các Giá trị: Giá trị Tri thức, Giá trị Công nghệ, Giá trị Thiên nhiên, Giá trị Con người. Sự kết tinh ấy đã tạo ra những sản phẩm đem lại lợi ích cho xã hội và cho khách hàng.

Giá trị tri thức

Ngay từ buổi đầu thành lập, Ban lãnh đạo Secoin luôn tâm niệm trong mình ý nghĩ “Vì một doanh nghiệp giầu chất xám”. Điều này thật dễ lý giải vì những bậc cha chú đứng ra gây dựng công ty đều là những giáo sư, tiến sĩ, giảng viên hàng đầu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những kiến thức thu nhận được từ cả một cuộc đời nghiên cứu, giảng dạy và cống hiến cho khoa học đã được kết tinh trong niềm hy vọng gây dựng một công ty Secoin thịnh vượng trên nền tảng của khoa học, của tri thức.

Giá trị công nghệ

“Công nghệ” là từ được nhắc đến nhiều trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Nhưng liệu một thân phận nước nghèo, trình độ kỹ thuật lạc hậu như Việt nam có thể hy vọng sáng tạo ra những công nghệ mới, tạo ra những bước đột phá cho nền kinh tế toàn cầu ? Sẽ là một điều hết sức viển vông và ảo tưởng nếu Secoin đặt mục tiêu “phát minh công nghệ mới”. Trái lại, vào những năm đầu thập niên 90, khi nền kinh tế Việt nam còn đầy rẫy những khó khăn, đội ngũ cán bộ cốt cán của Secoin đã “vươn ra thị trường nước ngoài”. Đó là những mảnh đất mầu mỡ mà Secoin có thể tìm kiếm những công nghệ mới, lựa chọn những công nghệ phù hợp để du nhập về Việt nam. Một công nghệ đã được lựa chọn và được kiểm chứng thành công tại các nước phát triển chính là nền tảng vững chắc để đảm bảo công nghệ đó có thể tạo ra được những giá trị thiết thực cho đời sống của người Việt nam.

Giá trị thiên nhiên

Chẳng cần đến “rừng vàng – biển bạc”, những giá trị thiên nhiên được kết tinh trong sản phẩm mà Secoin làm ra lại xuất phát từ những gì đơn giản đến không ngờ. Từ những nguyên liệu sẵn có như cát, đá, sỏi,… khi kết hợp với giá trị tri thức và giá trị công nghệ của Secoin chúng đã được biến thành hàng trăm loại sản phẩm với hình dáng, mầu sắc khác nhau. Thiên nhiên không chỉ ban tặng cho chúng ta những gì sẵn có để sử dụng, để khai thác – thiên nhiên còn ẩn chứa biết bao những giá trị quý báu mà nếu biết khai thác, những giá trị ấy sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống của con người. Thật là niềm tự hào lớn cho Secoin khi những sản phẩm gạch lát, gạch xây sản xuất từ những vật liệu khô khan cứng nhắc của thiên nhiên như cát, đá lại được sử dụng để trang hoàng cho những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà nội như Hồ Gươm, Công viên Lê nin, Sân vận động Quốc gia,… và hàng trăm những công trình xây dựng khác.

Giá trị con người

Nhắc đến Việt nam, cả thế giới nghĩ ngay đến một thị trường với nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, khéo léo. Sự kết hợp giữa giá trị công nghệ và giá trị lao động từ bàn tay và khối óc của người Việt nam đã giúp cho Secoin phát huy được thế mạnh trong việc tạo ra những sản phẩm độc đáo phục vụ không chỉ trong nước mà còn xuất sang các thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, các nước Châu Âu.

Giá trị con người có thể coi là giá trị vô hình và khó xác định nhất nhưng cũng là giá trị được Secoin đánh giá là quan trọng nhất. Con người là điểm xuất phát và cũng là cái đích cuối cùng của mọi cố gắng, nỗ lực. Việc kết hợp giá trị con người với các giá trị tri thức, giá trị công nghệ và giá trị thiên nhiên giúp Secoin tạo ra cấp số nhân trong suốt quá trình phát triển.

“Kết tinh giá trị” – chỉ bốn từ ngắn gọn nhưng ẩn chứa thật nhiều ý nghĩa sâu sắc. Tạo ra được các giá trị là điều quan trọng – nhưng có lẽ quan trọng hơn là biết kết hợp, biết tinh lọc những giá trị sẵn có xung quanh chúng ta để làm ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống.

Tính cách thương hiệu (giá trị cốt lõi):

Thương hiệu Secoin được xây dựng và phát triển trên cơ sở các nét tính cách sau đây:

Luôn mới lạ (Innovative)

* Luôn mới lạ vì Secoin là đơn vị đi đầu trong các lĩnh vực mà công ty đang hoạt động như VLXD không nung, vật liệu mài.
* Luôn mới lạ vì Secoin nắm bắt được nền tảng công nghệ, kỹ thuật sản xuất và không ngừng tung ra thị trường những sản phẩm mới và những mẫu mã mới.

Thực tiễn (Practical)

* Thực tiễn để những công nghệ mới mà Secoin du nhập vào Việt nam có thể phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của đất nước.
* Thực tiễn để những sản phẩm mà Secoin làm ra luôn phục vụ cho lợi ích thiết thực của ngành VLXD Việt nam, của người dân Việt nam.
* Thực tiễn để quá trình triển khai công việc luôn được thực hiện đúng tiến độ, giảm thiểu sai sót, rủi ro và đạt hiệu quả cao nhất.

Chuyên nghiệp (Professional)

* Chuyên nghiệp được thể hiện ở tri thức mà những người lãnh đạo của Secoin đã tích luỹ.
* Chuyên nghiệp được thể hiện ở phong cách làm việc hiệu quả, nghiêm túc, kịp thời của đội ngũ cán bộ Secoin.

Apple – Biểu tượng mới quyến rũ

Khó ai có thể tưởng tượng được một sản phẩm nào đó của Apple như iMac hoặc iPhone với logo cũ.

Đây có lẽ là LOGO mà nhiều người ấn tượng nhất… Một quả táo được cắn dở… Độc đáo, khác lạ, đơn giản nhưng không hề đơn điệu…

Không ít độc giả tò mò không hiểu lý do tại sao họ lại chọn quả táo mà không phải là một loại quả khác… Không những thế quả táo lại bị cắn một miếng mới lạ chứ!

Có câu chuyện vui cho rằng, Steve Jobs ban đầu thấy quả táo nguyên vẹn giống quả cam nên đã cắn một miếng cho nó ra quả táo… J
Nhưng thực ra, có nhiều lý giải lắm…

Có thể là người thiết kế của Apple rất hâm mộ nhà bác học Isaac Newton nên đã lấy hình ảnh của ông làm LOGO ban đầu của hãng. Sau này vì thấy logo rườm rà quá nên đã cắt đi để lại mỗi hình ảnh quả táo…

Qua nhiều lần thay đổi màu sắc, Logo Apple đã có được màu trắng bạc như ngày nay…


Logo đầu tiên của Apple… quá cầu kỳ thì phải???


Táo là biểu tượng cho sức mạnh, sự hoàn hảo…

Còn theo như những gì tớ biết, thì ở phương Tây, táo là biểu tượng của sức mạnh và của sự khám phá (chẳng phải nhờ “táo” mà bác học Newton đã khám phá ra lực hút của Trái đất sao?)…

Chưa hết, táo còn là tượng trưng cho cái đẹp cao quý (các bạn còn nhớ quả táo bất hòa dành cho người đẹp nhất trong Thần thoại Hy Lạp không?) trái táo mang đến thông điệp của sự hoàn hảo…

Chính bởi vậy, quả táo bị khuyết mất một miếng thể hiện sự thiếu toàn vẹn, không hoàn mỹ… Phải chăng tập đoàn này muốn nhấn mạnh việc họ sẽ đem đến sự hoàn hảo cho Công nghệ toàn cầu?…


Quá trình phát triển của thương hiệu quả táo

Sự thật là… tất cả những sản phẩm của Apple từ Macbook, iMac, iPod, iPhone… đều được đánh giá là những kiệt tác hoàn hảo…

Ngày nay, khách hàng khó có thể tưởng tượng một sản phẩm của Apple như iBook hay iPhone sẽ trông như thế nào nếu được gắn logo trước kia của hãng. Ronald Wayne là người thiết kế logo đầu tiên của Apple hồi 1976 khi công ty đang trong những ngày đầu khởi nghiệp tại một garage nhỏ hẹp. Logo thể hiện hình ảnh nhà bác học Isaac Newton ngồi dưới tán cây, với một quả táo đang đu đưa trên cành chờ rụng xuống đầu ông. Phong cách rườm rà màu mè còn ám ảnh Apple trong một vài lần thay đổi logo sau đó, trước khi đến với phiên bản quyến rũ hình quả táo cắn dở màu crôm hiện nay.

Trùm phần mềm – Microsoft:

Kẻ mà ai cũng biết là ai đấy… đang từng ngày dùng thương hiêu của mình thôn tính cả thế giới Công nghệ…


Thương hiệu số một toàn cầu

Khác với Apple, logo của Microsoft là tên chính của tập đoàn chứ không phải hình minh họa.

Do đó, họ chú trọng nhiều hơn đến kiểu chữ typography để khắc họa tinh thần cũng như ý nghĩa của thương hiệu…

Năm 1975, logo đầu tiên của hãng ra đời tách biệt làm 2 phần: Phần chữ Micro (là các thiết bị máy tính, vi mạch, hiểu chung là phần cứng) ở phía trên và Soft (là phần mềm) ở dưới… song song với nhau…


Logo Microsoft ngày càng đơn giản và sâu sắc hơn!

Sau đó, họ đã chuyển 2 chữ đó đứng ngang hàng với nhau, tạo nên một sự liên kết, một hợp thể không tách rời… Cải tiến hơn chút nữa, năm 1994, Microsoft chính thức đưa vào logo dấu gạch ngang kết nối giữa hai chữ cùng với đó là tạo font nghiêng gây cảm giác đang hướng về phía trước… giống như muốn nói rằng: Microsoft là một thể thống nhất không tách rời và luôn luôn hướng về một tương lai tươi sáng…

Chẳng biết có phải nhờ đó mà tình hình kinh doanh của tập đoàn này ngày càng hưng thịnh hay không..

Bạn biết không?

Trong kinh doanh, họ rất coi trọng hình ảnh thương hiệu bởi nó quyết định sự tồn vong và phát triển của thương hiệu đó…
Hãy cùng Nhịp sống số chia sẻ những suy nghĩ của các bạn về những Logo, những thương hiệu Công nghệ mà các bạn yêu thích… Biết đâu đây lại là bài học cho tất cả chúng ta – những bạn trẻ nuôi hy vọng trở thành những nhà quản lý doanh nghiệp trong tương lai..

Pepsi – Thay sóng bằng nụ cười

Biểu tượng mới của Pepsi (phải) mới đưa vào sử dụng từ đầu năm nay.

Thoạt nhìn, logo mới tung ra hồi 2008 do hãng Arnell Group thiết kế của Pepsi không khác biệt nhiều so với cái cũ, tuy nhiên nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Hồi tháng 2 đầu năm nay khi các sản phẩm đồ uống bắt đầu khoác áo mới, một tài liệu dài 27 trang giải thích về ý nghĩa logo mang hình nụ cười đã bị rò rỉ trên Internet, gây ra hàng loạt tranh cãi xung quanh nó.
Trong tài liệu, hãng Arnell xếp logo mới ngang tầm với những biểu tượng bí ẩn như nàng Mona Lisa hay đền Parthenon. Giới chuyên gia đánh giá cao tính đơn giản của nó, nhưng cho rằng bản thuyết trình 27 trang là một bản “luận văn” đầy tính ngoa ngôn. Nhiều người vẫn có cảm tình với logo cũ mang hình con sóng hơn “nụ cười” mới, và cho rằng sẽ chẳng bao lâu nữa Pepsi sẽ phải chấm dứt quá trình thử nghiệm của mình.
Starbucks – Bài hát của nữ thần

Hình ảnh vốn nức tiếng một thời của Starbucks có vẻ như nay không còn hợp nhãn khách hàng.

Logo màu nâu vẽ hình một nữ thần ở trần đã từng là biểu tượng đáng tự hào của công ty cà phê Starbucks suốt một thời gian dài kể từ năm 1971, do chính người sáng lập ra hãng là Terry Heckler phát triển ý tưởng. Đến năm 1992, logo được đổi sang màu xanh như mẫu dùng hiện nay với hình ảnh nữ thần được vẽ lại theo phong cách bớt “lõa lồ” hơn.
Đến tháng 5 năm ngoái, trong một chiến dịch quảng cáo táo bạo, Starbucks quyết định quay lại hình ảnh cũ bằng cách đổi sang logo màu nâu xưa kia, khác chút ít ở chỗ bộ ngực nữ thần được che lại.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, chiến dịch không nhận được sự tán thưởng nào từ phía khách hàng. Nhiều người thậm chí dùng những từ ngữ bậy bạ để gọi tên hãng vì logo mới. Giới chuyên gia thì nhận xét đây là
sự luyến tiếc quá khứ một cách cực đoan của Starbucks. Chỉ vài tháng sau đó, Starbucks quyết định xếp xó nữ thần gợi cảm, quay lại dùng logo xanh lịch sự quen mắt với người dùng.
IBM – Đơn giản là sự cổ điển.

Logo mang tính năng động hơn nhiều so với logo cũ của IBM.

Trước năm 1972, logo cũ của hãng máy tính IBM được
xem là quá rắc rối và không hợp thời, với dòng chữ “International Business Machines” bao bọc quanh quả địa cầu.
Đến 1972, với quyết tâm thay đổi hình ảnh, IBM đã viện đến nhà thiết kế thương hiệu nổi tiếng với mục đích tạo ra hình ảnh mới sang trọng và đơn giản.
Trong thiết kế của hãng Paul Rand, logo là những đường ngang chạy song song tạo nên chữ IBM, ám chỉ đến tốc độ và tính năng động. Logo mới đã phát huy hiệu quả hình ảnh và được hãng IBM sử dụng từ đó đến nay

Năm 1911, International Time Recording Company (ITR) và Computing Scale Company (CSC) hợp nhất thành cái tên CRT. Nhưng có lẽ giống tên viết tắt của công nghệ màn hình ống vốn không phải là tâm điểm hoạt động của mình, họ lấy tên International Business Machines Corporation (IBM) vào năm 1924. Hồi đó, tham vọng của họ là muốn bao phủ thị trường toàn cầu nên logo có hình địa cầu. Sau này, biểu tượng đơn giản hơn thể hiện sự vững chãi, các lằn gạch ngang thể hiện tốc độ và sự năng động. .
Wal-Mart – Làm mềm hình ảnh

Logo mới đã cứu vãn hình ảnh Wal-Mart trong mắt khách hàng.

Dư luận Mỹ nhận xét Wal-Mart thường đối xử với nhân viên không tốt như họ vẫn thường tự quảng cáo. “Công ty này nổi tiếng là không có lương tâm, không quan tâm đến người khác, kể cả chính đội ngũ nhân viên”, một chuyên gia nói.

Tuy nhiên, chiến dịch thay đổi hình ảnh thương hiệu hồi 2008 do hãng Lippicott thực hiện, đã tạo ra một Wal-Mart hoàn toàn mới. Nhìn vào logo hiện nay, người ta nghĩ đến một chuỗi hệ thống siêu thị cuốn hút, thân thiện và dễ gần, so với hình ảnh rắn chắc và kiêu ngạo sử dụng từ năm 1992.
Logo gộp tên công ty thành một từ thay vì chẻ làm hai như trước, dùng chữ cái thường và sử dụng màu xanh mát mắt. Cuối chữ Walmart được điểm thêm một ngôi sao màu vàng. Logo này phù hợp với thông điệp mới của chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất thế giới là “Tiết kiệm để sống tốt hơn”. Với hệ thống nhận diện mới, Wal-Mart trở nên gần gũi và tiếp cận đến mọi tầng lớp người tiêu dùng Mỹ, kể cả những người ở vùng ngoại thành và nông thôn.

BP – Logo đẹp cũng khó cứu được hình ảnh tồi

Với một loạt scandal gần đây, logo bắt mắt của BP cũng khó có thể giúp họ cải thiện hình ảnh.

Sau khi Công ty British Petroleum sáp nhập với Amoco,gã khổng lồ dầu mỏ đã giao nhiệm vụ cho hãng xây dựng thương hiệu Landor & Associates và công ty quảng cáo Oglivy & Mather việc “làm đẹp” cho hệ thống nhận diện của tập đoàn. Yêu cầu đặt ra là gắn BP với hình ảnh một công ty có suy nghĩ cấp tiến, có ý thức xã hội cao.
Không lâu sau đó, cựu CEO Lord John Browne được xây dựng hình ảnh trở thành lãnh đạo đầu tiên trong ngành dầu lửa có ý thức về thảm họa nóng lên toàn cầu. Biểu tượng chiếc khiên của BP được thay thế bằng logo mới, mang cảm hứng từ thần Helios trong thần thoại Hy Lạp. Qua logo này, BP muốn gửi thông điệp với cả thế giới rằng họ quan tâm tới những nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường như nhiên liệu sinh học, năng lượng mặt trời. Các chiến dịch quảng cáo không ngừng nghỉ ra sức nhồi vào đầu dân chúng khẩu hiệu “xăng và hơn thế nữa”.
Tuy nhiên một loạt các scandal như tràn dầu và tai nạn lạo động khiến dư luận dấy lên câu hỏi về bộ mặt thật của BP đằng sau tấm mặt nạ đầy hào quang. “Nếu những scandal này không được giải quyết, hình ảnh thương hiệu của họ cũng sẽ mất dần uy tín”, Brendán Murphy, quản lý cấp cao tại hãng quản lý thương hiệu Lippinott nói.
Kraft Foods – Thiếu tổ chức và không rõ ràng

Logo mới (dưới) của Kraft không được dư luận ủng hộ.

Việc tung ra các sản phẩm chứa nhiều chất béo như Kraft Macaroni & Cheese và mối liên kết với nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris cũng “ám khói” luôn cả sự nghiệp của hãng thực phẩm Kraft Food. Sau khi tách ra thành một công ty độc lập, hãng này quyết tâm thay đổi hình ảnh. Hồi tháng 2 vừa rồi, hãng Kraft tung ra logo mới với hình dáng mảnh mai hơn, ngụ ý sản phẩm của họ ít chứa chất béo và có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên mọi việc không được như mong đợi. Các nhà phân tích xem logo mới do hãng Nitro thiết kế là một thảm họa và khẳng định họ không nhận được bát cứ thông điệp gì từ logo hiện nay. Với hình
ảnh mới, Kraft Food biến thành một bụi cây, nảy nở ra những bông hoa và cánh bướm.

Ngoài ra, việc Kraft Food thay tới 2 logo trong một thời gian ngắn khiến người ta nghĩ rằng hãng này đang loay hoay trong việc tìm ra lối thoát. Đó còn chưa kể logo mới này hao hao như biểu tượng của hãng sữa chua Yoplait’s.

Procter & Gamble – Không còn ác quỷ

Logo mới đơn giản và thân thiện của P&G.

Khi Procter & Gamble đi vào hoạt động hồi 1851,logo của hãng là hình một người đàn ông có bộ râu dài với 13 ngôi sao,biểu tượng cho 13 thuộc địa đầu tiên trên đất Mỹ cũng như lá cờ Mỹ thuở ban đầu. Tuy nhiên, nhiều kẻ dèm pha lại cho rằng những ngôi sao này và hình vòng cung đều ám chỉ đến con số của quỷ dữ 666.

Đến năm 1991, hãng P&G nỗ lực đập tan lời đồn bằng cách cắt bỏ bộ râu của ông già nhưng cũng không thành công. Hai năm sau đó, công ty này quyết định quẳng logo vào thùng rác và thay bằng biểu tưởng mới đơn giản như hiện nay.

Intel


Logo trên được dùng từ năm 1868 đến 2005. Intel là tên viết tắt của cụm từ Integrated Electronics Corporation (điện tử tích hợp). Tuy nhiên, bài học về thành công trong quảng bá thương hiệu của hãng lại là biểu tượng “Intel Inside” (Có chip Intel ở bên trong) dán trên các máy tính thành phẩm.

Vào năm 1991, Giám đốc marketing Dennis Carter mở chiến dịch “Intel Inside”, theo đó, Intel trả nửa chi phí quảng cáo cho bất kỳ chương trình nào dùng logo này. Nhưng nếu công ty máy tính không quảng cáo hiệu quả thì họ sẽ không thanh toán và loại công ty đó khỏi chiến dịch. Thành công không ngờ của chương trình là chip Intel trở thành biểu tượng sức mạnh của mọi hệ thống máy tính và được nhận diện trên 130 quốc gia, giúp hãng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bán dẫn.

Ngoài ra, khi quan sát các logo, người ta có thể nhận thấy xu hướng chuyển biến từ rắc rối, phức tạp đến đơn giản và dễ nhận diện thương hiệu.

Canon

Biểu tượng đầu tiên của hãng máy ảnh Canon (Nhật Bản) lấy cảm hứng từ việc kỹ sư Goro Yoshida chế tạo được chiếc camera đầu tiên mang tên Kwanon. Cái tên được đặt theo đức phật Bodhisattva nên logo là hình phật nghìn mắt nghìn tay ngồi trên đài sen, xung quanh là hình ngọn lửa. Sau đó, chữ Kwanon được đổi thành Canon vì cách đọc tương tự nhưng đơn giản và hiện đại hơn.


Nokia

Năm 1865, Knut Fredrik Idestam thành lập một nhà máy chế biến gỗ ở Tampere, phía tây nam Phần Lan. Nó được đổi tên thành Nokia sau khi được dời đến bờ sông Nokianvirta trong thành phố Nokia. Dù vậy, cái tên Nokia trong tiếng Phần Lan nói về một con vật có lông màu đen mà ta gọi là chồn Pine Marten.

Nokia hiện tại là sự sáp nhập giữa nhà máy cao su Finnish Rubber Works, nhà máy chế biến gỗ Nokia Wood Mill và Finnish Cable Works vào năm 1967. Trước khi bước vào lĩnh vực điện thoại di động và viễn thông, Nokia sản xuất giấy, xe đạp, lốp xe ôtô, giày, tivi, máy phát điện…

Unilever

Các bạn đã biết Unilever qua những sản phẩm nổi tiếng như bột Knorr, kem Heartbrand, nước rửa chén Sunlight, dầu gội Sunsilk, Omo, Comfort hay Dove. Nhưng bạn đã thực sự biết về logo của hãng?
Chắc các bạn vẫn còn nhớ logo cũ này:

Năm 2004, đổi mới thành logo này với những symbol (nếu bạn nhìn kỹ):

Đầu tiên tôi tưởng những symbol đó chỉ để làm đẹp cho logo nhưng về sau mới biết sâu về những ý nghĩa của chúng . Những symbol đó gồm có (đừng quan tâm tới màu sắc của chúng ):

Mặt trời (màu đỏ)
Biểu tượng thiên nhiên chính. Mọi sự sống đều bắt đầu nhờ có Mặt trời, nó ban cho chúng ta sức sống.

Ong mật (xanh biển)

Thể hiện sự sáng tạo, gắn kết, cần cù và cân bằng sinh thái. Nó còn là những thử thách của môi trường đồng thời cũng là những cơ hội.

DNA (xanh lá)

Chuỗi hai đường xoắn, cơ bản sự sống và là biểu tượng của ngành khoa học sinh vật. Nó chính là chìa khóa tới một cuộc sống khỏe mạnh. Nếu như Mặt Trời là thứ lớn nhất tạo nên sự sống thì DNA là thứ nhỏ nhất.

Cây họ cọ, dừa (xanh)
Nguồn tạo nên dinh dưỡng. Nó tạo ra dầu cọ, hoa quả như dừa và chà là. Nó còn là biểu tượng của thiên đường.

Bàn tay (vàng)
Biểu tượng của xúc giác, da, sự chăm sóc và quan tâm.

Mái tóc (tím)
Thể hiện cái đẹp, sự mềm mại và thơm tho.



Muỗng (xanh)

Biểu tượng của dinh dưỡng, tài nấu ăn và vị giác.

Hoa (hồng)
Thể hiện hương thơm.

Bát (đỏ)
Những bữa ăn ngon miệng.

Xoắn ốc (xanh)
Trộn lẫn những hương vị khác nhau để tạo nên món ăn.

Cá (xanh đậm hơn)

Thể hiện thức ăn hay biển cả, nước.

Gia vị (da cam)
Những gia vị trong thiên nhiên (ớt, tỏi, gừng,…).

Sóng (hồng)
Sự sạch sẽ.

Quần áo (tím)
Sự giặt giũ và vẻ đẹp thời trang.

Hộp đựng (xanh)
Giống như những hộp kem, mỗi hộp là mỗi niềm quan tâm.



Các chất (vàng)

Liên quan đến khoa học.

Đông lạnh (cam)
Sự thoáng mát, trong sạch.

Trái tim (hồng)

Biểu tượng của tình yêu, sự chia sẻ và quan tâm.

Tái sử dụng (xanh biển)
Sự duy trì và bảo vệ môi trường.

Kem (tím)

Sự sung sướng và niềm vui.

Chè (xanh lá)

Biểu tượng cho nông nghiệp, sự sinh sôi nảy nở.

Đôi môi (hồng)
Biểu tượng của cái đẹp.

Lấp lánh (xanh)

Sạch sẽ, đẹp đẽ và tràn đầy sức sống.

Cánh chim (cam)

Biểu tượng cho sự tự do và thoải mái

Logo của Unilever thật sự đẹp khi có sự góp mặt của những symbol kể trên, chúng đã làm tăng thêm ý nghĩa và những đóng góp của Unilever cho cuộc sống của chúng ta. Hãy ủng hộ những logo ý nghĩa như thế.

This image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 813×299.

Ideal :
Lấy ý tưởng từ logo hội sinh viên việt nam tôi đã thiết kế nên logo nay.
+ Ý nghĩa : Logo được ghép từ những cánh hoa tạo thành hình một chú chim bồ câu đang bay. Hình cánh hoa tượng trưng cho sự thăng hoa của tri thức, hình chim câu chấp cánh, biểu trưng cho sự chấp cánh của những giấc mơ tri thức bay cao, bay xa, đem thông điệp ra thế giới.
+ Màu sắc : Tone màu xanh lá non, xanh da trời, thể hiện sự tươi trẻ khát khao chinh phục không gian bao la của tri thức. Chấm i màu đỏ thể hiện sự nhiệt huyết khám phá chân trời mới.

CÔNG TY CP Ô TÔ TRƯỜNG HẢI


Ý nghĩa biểu tượng
Tổng thể logo Trường Hải là hình tròn nằm trên dòng chữ THACO (tên gọi chính thức của công ty) đem lại cái nhìn về một bố cục vững chãi. Sự kết hợp hài hòa giữa phần “dấu hiệu đặc trưng” và phần “kiểu chữ đặc trưng” tạo thành cốt lõi trong hệ thống nhận diện thương hiệu. Biểu tượng được tạo nên bởi sự liên kết chặt chẽ giữa chữ T và hình tròn bao quanh thể hiện tính năng động và kiên định của sản phẩm.

Chữ T được tạo từ những cánh sao màu xanh hy vọng giữa bầu trời mùa xuân trong sáng và ba cánh sao ấy kết hợp cùng một gốc hướng về ba phía của vòng tròn hoàn hảo trên nền vàng truyền thống của công ty.
Ngoài việc định hình cho thương hiệu THACO – TRUONGHAI GROUP, logo còn thể hiện triết lý kinh doanh của công ty là: Có TÂM đối với sản phẩm, dịch vụ của mình, quan tâm đến mỗi thành viên trong công ty và cộng đồng xã hội. Song song đó, Trường Hải phấn đấu nâng TÂM của mỗi thành viên trong công ty và vị trí công ty trong xã hội, để trở thành một tập đoàn mạnh có khả năng đại diện cho ngành công nghiệp ô tô của quốc gia. Nhằm cụ thể hóa triết lý công ty hướng tới việc xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp bền vững, Trường Hải đề ra tám tiêu chí:     TẬN TÂM, TRUNG THỰC, TRÍ TUỆ, TỰ TIN, TÔN TRỌNG, TRUNG TÍN, TẬN TÌNH, THUẬN TIỆN.
Hình khối
Về mặt hình khối, dấu hiệu đặc trưng của Trường Hải được tạo nên bởi sự gắn kết chặt chẽ từ 3 nhánh của chữ T, lấy cảm hứng về hình ảnh một ngôi sao đang tỏa sáng – ánh sáng lấp lánh và lan tỏa một cách mạnh mẽ không ngừng. Chữ T bám chắc chắn trên một bố cục hình tròn đầy tính chuyển động hoàn hảo và liên tục của những tư tưởng năng động. Đồng thời đây cũng là hình ảnh ngọn đuốc rực cháy, thể hiện tính kiên định phát triển sứ mệnh vì con người và cũng là sức mạnh bền vững của Trường Hải.
Màu sắc
Logo được kếp hợp hài hòa giữa màu xanh lam và màu vàng kem, trong đó màu xanh lam được sử dụng làm màu chủ đạo. Đây là màu của nước biển, màu có trong chính cái tên Trường Hải. Màu xanh lam cũng là một trong ba màu cơ bản, màu của sự bền vững và thân thiện với môi trường. Đồng thời, logo sử dụng sắc đỏ tương phản mạnh nhất, tạo nên sự đơn giản nhưng mạch lạc về cấu trúc, mạnh mẽ về ý tứ.
Hình dạng logo chuẩn